Người Thầy tận tâm với nghề và say mê nghiên cứu khoa học

 

“Nhiệt tình với công việc, luôn chủ động sáng tạo trong công tác chuyên môn, hết lòng vì người bệnh, say mê nghiên cứu khoa học, gần gũi với đồng nghiệp, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và giảng dạy tận tình cho các học viên, sinh viên”, đây mới chỉ là một trong số rất nhiều những lời nhận xét, đánh giá tích cực từ các đồng chí trong Ban Lãnh đạo Bệnh viện, đồng nghiệp và học viên, sinh viên về Tiến sỹ, Bác sỹ Phạm Phước Sung – Trưởng phòng Đào tạo – Chỉ đạo tuyến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá, Giảng viên thỉnh giảng Trường Đại học Y Hà Nội, Phân hiệu Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hoá.

 

Người Thầy “đa zi năng”


Năm 2000, sau khi tốt nghiệp trường Đại học y Thái Bình, với mong muốn và khao khát được cống hiến cho quê hương, bác sỹ Phạm Phước Sung về công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ngọc Lặc (nay là Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc). Tại đây Anh vừa tham gia công tác chuyên môn vừa tiếp tục học theo học chương trình đào tạo Thạc sỹ y khoa tại Trường Đại học Y Hà Nội. Những năm tháng tiếp theo anh được điều chuyển về làm việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá với các chức vụ từng kinh qua: Phó Trưởng khoa Thần kinh, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp và đến năm 2019 anh hoàn thành chương trình đào tạo Tiến sỹ y khoa chuyên ngành Nội Thần kinh tại Đại học Y Hà Nội và được bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng phòng Đào tạo – Chỉ đạo tuyến.


 

 

Tiến sỹ, Bác sỹ, Giảng viên Phạm Phước Sung 


Từ đó đến nay, ngoài công việc chính là làm công tác quản lý tại Phòng Đào tạo – Chỉ đạo tuyến, anh còn tham gia điều trị bệnh nhân tại khoa Thần kinh – Đột quỵ, phụ trách 01 Phòng khám chuyên gia tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá.


Anh còn là giảng viên thỉnh giảng bộ môn Nội, Trường Đại học Y Hà Nội và Phân hiệu Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hoá. Bên cạnh đó, anh còn chủ trì xây dựng các chương trình đào tạo cập nhật kiến thức chuyên môn và trực tiếp tham gia giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu khoa học cho nhiều khoá học viên, sinh viên các Trường Đại học, Cao đẳng đào tạo khối ngành sức khoẻ trong và ngoài tỉnh như: Trường Đại học Y Hải Phòng, Đại học Y dược Thái Nguyên,Cao đẳng y Thanh Hoá…và đội ngũ cán bộ y tế tuyến dưới.

 

 

Tiến sỹ Phạm Phước Sung (ngoài cùng bên phải) tham dự Lễ tổng kết chương trình đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho các Bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Hậu Lộc


Với vai trò là Ủy viên Ban chấp hành Hội Thần kinh học Việt Nam và khả năng sử dụng tiếng Anh thành thạo, anh cũng đóng góp nhiều công sức trong việc tổ chức các chương trình đào tạo, hội thảo trao đổi kiến thức chuyên môn với các chuyên gia về Thần kinh học trong nước và Quốc tế cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

 

 

Tiến sỹ Phạm Phước Sung tại một buổi hướng dẫn nghiên cứu khoa học cho các Bác sỹ, Dược sỹ tại Bệnh viện


Một ngày làm việc của anh bắt đầu từ 06h30 và thường kết thúc lúc 19h00 tối, có ngày 21-22h tối. Trong trường hợp có ca trực, anh ở lại Bệnh viện cả đêm và ngày hôm sau lại bắt đầu chu trình như cũ. 


Trung bình anh sử dụng khoảng 30% thời gian cho khám chữa bệnh, 30% cho công tác quản lý, điều hành, 30% cho giảng dạy và nghiên cứu khoa học, 10% cho công việc khác.


“Dù các công việc chia 30-30-30, nhưng mọi thứ đều mang tính đan xen và tích hợp vì trong khám chữa bệnh có cả đào tạo y khoa và nghiên cứu khoa học. Sự gắn kết đó làm cho tôi phân bố thời gian tương đối linh hoạt”, Tiến sỹ Phạm Phước Sung chia sẻ.


Người Thầy tận tâm với nghề và say mê nghiên cứu khoa học

Kết thúc buổi khám chữa bệnh ngoại trú tại Phòng khám chuyên gia lúc 12h00 trưa, Tiến sỹ Phạm Phước Sung dùng bữa trưa rất nhanh và vội vàng để kịp thời di chuyển sang khu vực giảng đường Phân hiệu Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hoá để bắt đầu bài giảng cho sinh viên về Bệnh lý nhồi máu não. Chiếc áo blouse trắng anh mặc cách đây ít phút giờ được thay thế bằng sơ mi xanh xám, giọng nói truyền cảm, gương mặt rạng rỡ của anh đã cuốn hút tất cả các em sinh viên vào bài giảng. 

Tiến sỹ Phạm Phước Sung chia sẻ: “22 năm kể từ khi nhận bằng tốt nghiệp, tôi vẫn nhớ như in ngày đọc lời thề Hippocrates, cũng là ngày tôi từ một sinh viên y khoa trở thành bác sĩ, tôi đã tự hứa là một bác sỹ mình phải có lương tâm, trách nhiệm cao, hết lòng yêu nghề, luôn rèn luyện để sâu y lý, giỏi y thuật, giàu y đức và suốt 22 năm qua, tôi vẫn luôn cố gắng để hoàn thành lời hứa đó.


Là một bác sỹ đã khó, là Giảng viên y khoa còn khó hơn bởi Giảng viên y khoa cần có đầy đủ những kiến thức và kỹ năng sư phạm khác như kỹ năng giảng dạy, giao tiếp, phát triển bản thân, thuyết trình, nghiên cứu khoa học… Điều này giúp việc đào tạo y khoa không chỉ đơn thuần là truyền đạt kiến thức mà còn là truyền đạt cảm hứng và khơi dậy tình yêu thương con người, giữ gìn niềm tin vào khoa học cho sinh viên.


Để làm được cùng lúc hai công việc của cả hai người Thầy, Thầy giáo và Thầy thuốc, tôi cũng như những đồng nghiệp của mình cần có gấp đôi tình yêu – tình yêu với nghề y và tình yêu với nghề giáo. Sự nỗ lực theo đó cũng phải gấp đôi so với ngành nghề khác và cũng vì vậy mà niềm vui, hạnh phúc luôn được nhân lên gấp bội.”

 

 

Tiến sỹ Phạm Phước Sung (ngoài cùng bên phải)  trong một buổi Hội thảo có chuyên gia nước ngoài tham dự


Khi nhắc đếnTiến sỹ Phạm Phước Sung, Ban lãnh đạo Bệnh viện cũng như bạn bè đồng nghiệp, sinh viên đều mến mộ bởi tinh thần nghiên cứu, học tập không ngừng nghỉ và bởi tấm lòng tận tâm với nghề, tận tụy với bệnh nhân.


 Ngoài thời gian giảng dạy, khám chữa bệnh cho bệnh nhân, Tiến sỹ Phạm Phước Sung còn tích cực, say mê nghiên cứu khoa học. Anh chính là tác giả của nhiều đề tài khoa học, sáng kiến được ứng dụng vào thực tiễn, mang lại hiệu quả cao, trong đó có 02 đề tài nghiên cứu cấp tỉnh anh tham gia với tư cách là Thư ký đề tài đã giành giải thường khoa học sáng tạo, đó là đề tài “Tiêu sợi huyết trong điều trị nhồi máu não cấp” và “Lấy huyết khối bằng dụng cơ học Solitaire trong nhồi máu não cấp tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá”.


Ngoài ra, Tiến sỹ Phạm Phước Sung đã có 12 bài báo khoa học trên các tạp chí y học và tạp chí chuyên ngành có uy tín trong nước, quốc tế; tham gia hướng dẫn nhiều lượt sinh viên Bác sỹ đa khoa, Đại học Điều dưỡng bảo vệ khóa luận tốt nghiệp, bảo vệ luận văn.


 Điều đặc biệt nữa ở Tiến sỹ Phạm Phước Sung đó là khả năng sử dụng tiếng Anh rất thành thạo ở cả lĩnh vực y tế chuyên sâu và tiếng Anh giao tiếp. Anh là người sáng lập, duy trì Câu lạc bộ tiếng Anh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá. Anh đã truyền cảm hứng, khuấy động phong trào học tiếng Anh cho các Bác sỹ, Dược sỹ trẻ trong Bệnh viện, vì vậy sau hơn 4 năm thành lập, hiện tại CLB vẫn duy trì sinh hoạt đều đặn hàng tuần và là nơi giao lưu, học tập bổ ích cho cán bộ viên chức Bệnh viện cũng như các em sinh viên.

 

 

 

Tiến sỹ Phạm Phước Sung (ngoài cùng bên phải) trong một buổi sinh hoạt CLB Tiếng Anh của Bệnh viện


Cuộc trò chuyên ngắn ngủi với Anh phải tạm kết thúc vì ngoài hành lang, các em sinh viên đang ríu rít đến chúc mừng Anh nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Anh chia sẻ rằng dù bận rộn nhưng Anh rất vui và tự hào vì trong năm có tới 2 ngày kỷ niệm: 27/2 và 20/11. Những lời động viên và khích lệ của bệnh nhân cùng lời cảm ơn của các em sinh viên luôn là nguồn động viên quý giá giúp Anh vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.


Chia tay Anh, chúng tôi đi dọc hành lang bệnh viện để thấy rõ hơn không khí cũng như phong thái làm việc của cán bộ viên chức Bệnh viện. Phòng nào, khoa nào cũng đang có bệnh nhân khám và điều trị nhưng không có cảnh ngột ngạt, chen chúc, lộn xộn như những năm về trước. Thay vào đó là không khí thoải mái của người bệnh và thái độ ân cần, niềm nở của nhân viên y tế. Có lẽ chính tấm lòng và niềm say mê, tận tâm của những người như Anh – Tiến sỹ, bác sỹ Phạm Phước Sung đã phần nào mang đến không khí làm việc hăng say và làm thay đổi bộ mặt của Bệnh viện.


                                                                                 Bài và ảnh: Phòng CTXH

 

 

 

 

 

 

Liên hệ nhanh